Nếu chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi đi xe vào vùng lũ, bạn hoàn toàn có thể tự cứu sống bản thân và những người đi cùng.
Mới đây, vụ tử vong của ông Nguyễn Tài Dũng, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Nghệ An khi đi vào vùng lũ để cứu trợ cho người dân bị ngập lụt đã để lại tiếc thương cho biết bao nhiêu người. Ông Dũng và tài xế riêng đã dùng một chiếc Toyota 7 chỗ để đi vào vùng lũ.
Tuy nhiên, khi đến gần sông Hoàng Mai, chiếc xe của ông Dũng đã bị nước lũ cuốn trôi. Người tài xế may mắn thoát ra ngoài qua cửa sổ xe. Trong khi đó, ông Dũng bị mắc kẹt lại và tử vong trên xe cùng số đồ cứu trợ.
Qua đó, có thể thấy, lái ôtô đi vào vùng lũ cũng đồng nghĩa với việc bạn phải đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn. Thậm chí, bạn có thể bỏ mạng trong xe vì bị nước lũ cuốn trôi.
Tuy nhiên, nếu chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi, bạn hoàn toàn có thể tự cứu sống bản thân trong trường hợp xấu nhất. Dưới đây là những vật dụng bạn cần mang theo trước khi lái xe vào vùng lũ.
Chuẩn bị cho xe
Tìm điểm yếu
Đầu tiên, bạn cần kiểm tra hệ thống kính và cửa sổ xe. Làm như vậy là để xác định điểm yếu nhất của kính xe. Sau đó, dùng băng dính đỏ dán vào mặt ngoài cửa sổ để đánh dấu điểm yếu.
Kiểm tra hệ thống nâng, hạ kính
Tiếp đến là kiểm tra hệ thống nâng, hạ kính của 4 cửa xe xem có gì trục trặc hay không. Khi xe bị rơi xuống nước, hệ thống nâng, hạ kính xe đóng vai trò sống còn. Mở được cửa sổ xe nghĩa là bạn có cơ hội thoát ra ngoài và sống sót.
Búa phá kính
Mua búa phá kính chuyên dụng và để gần 4 cửa sổ xe. Hiện nay, búa phá kính được bày bán khá nhiều tại các cửa hàng phụ kiện ôtô. Bạn có thể mua loại búa phá kính tích hợp cả đèn pin và phát ra tiếng kêu. Búa có xuất xứ Trung Quốc và sở hữu giá bán khoảng 400.000 đồng.
Búa phá kính kèm đèn pin.
Áo phao cứu hộ
Khi đi vào vùng lũ, dù biết bơi hay không, bạn cũng dễ dàng bị cuốn trôi. Do đó, đừng tự tin là mình biết bơi là xem nhẹ áo phao cứu hộ.
Trước khi đi vào vùng lũ, hãy chuẩn bị áo phao cứu hộ cho bản thân và những người đi cùng. Loại áo phao cứu hộ thông thường có giá khoảng 50.000 Đồng tại Việt Nam.
Trong khi đó, áo cứu hộ của Hàn Quốc đắt hơn với giá gần 1 triệu Đồng. Bù lại, áo cứu hộ Hàn Quốc có dây giật để bơm hơi tiện dụng như loại dùng trên máy bay. Lưu ý, bạn phải thoát ra khỏi xe trước sau đó mới giật dây để bơm hơi cho áo phao cứu hộ.
Vạt che mưa
Lắp vạt che mưa cho cửa sổ để có thể nâng, hạ kính liên tục trong quá trình di chuyển qua vùng lũ.
Áo phao cứu sinh loại tự bơm phồng.
Bóng nhựa
Lắp thêm bóng nhựa màu đỏ trên nóc xe, đi kèm một cuộn dây dài khoảng 15-20 mét. Làm như vậy, xe của bạn sẽ dễ được tìm thấy hơn khi bị lũ cuốn trôi.
Đèn nhấp nháy gắn trên nóc ôtô.
Ngoài ra, bạn có thể mua loại đèn nhấp nháy để gắn trên nóc xe. Ví dụ như loại đèn 12V trong ảnh bên dưới có giá 120.000 Đồng. Trong khi đó, loại đèn dùng pin chống nước có giá 250.000 Đồng.
Chuẩn bị cho bản thân
Bình dưỡng khí và mặt nạ ôxy
Bạn có thể chuẩn bị thêm bình dưỡng khí và mặt nạ ôxy cỡ nhỏ để thở khi xe chìm xuống nước mà chưa thể thoát ra ngoài. Nhờ đó, bạn sẽ có thêm cơ hội và thời gian để mở cửa xe và thoát ra.
Trang phục
Khi đi vào vùng lũ, bạn nên mặc loại quần áo dễ cởi. Làm như vậy, trong trường hợp xe bị lũ cuốn và chìm xuống nước, bạn có thể cởi bớt quần áo và thoát ra khỏi xe. Mặc quá nhiều quần áo sẽ gây khó khăn cho bạn khi bơi lên mặt nước.
Bạn nên đi dép dễ cởi thay vì đi giày. Nếu buộc phải đi giày, bạn nên chọn loại dễ tháo như giày "lười".
Điện thoại
Nên mang theo loại điện thoại có phím bấm cứng, pin lâu và sóng "khỏe" để dễ gọi cứu hộ. Bạn có thể dùng ni-lông để bọc kín điện thoại sao cho nước không ngấm vào và gây hỏng hóc.
Dùng điện thoại có phím bấm cứng, pin lâu và sóng "khỏe".
Điều cần làm trước khi tiến vào vùng lũ
Hướng dẫn vị trí
Người lái cần hướng dẫn cách thoát hiểm cho hành khách khi gặp trường hợp khẩn cấp. Ví dụ như vị trí của búa phá kính, cách tháo khóa dây đai an toàn và mở cửa sổ.
Với những loại ôtô đời cũ, cửa sổ vẫn là loại mở bằng tay nên hành khách phải thao tác thật nhanh. Trong khi đó, những loại xe đời mới với cửa sổ chỉnh điện thì việc mở sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Hướng dẫn mặc áo phao
Sau đó, người lái yêu cầu các hành khách mặc áo phao vào và hướng dẫn cách sử dụng áo phao. Mỗi loại áo phao lại có cách sử dụng khác nhau.
Đầu tiên là loại áo phao thông thường. Bước 1 là dùng ngón trỏ và ngón cái ấn mạnh vào phần giữa khóa trước ngực để mở khóa. Bước 2, nới rộng phần dây choàng qua đùi ở phía dưới áo. Bước 3, điều chỉnh khóa ở hai bên hông bằng cách kéo phần dây còn thừa ở đầu khóa ra phía trước hoặc sau. Bước 4 là mặc vào người, dùng hai tay ấn đầu khóa lại. Bước 5, vòng hai dây qua đùi và ấn khóa lại, điều chỉnh dây cho vừa với đùi. Ở bên trong áo có túi nhỏ đựng còi để bạn thổi khi muốn kêu cứu.
Trong khi đó, với loại giật dây, bạn chỉ cần mặc vào và thắt chặt dây áo quanh eo. Nhớ không làm phồng áo khi vẫn đang còn trong xe. Sau khi thoát ra khỏi xe, bạn hãy làm phồng áo bằng cách giật mạnh thẻ đỏ. Trên áo phao cũng có đèn và còi để gây sự chú ý.
Chú ý nghe ngóng
Khi đi vào vùng lũ, người lái hãy tắt hệ thống giải trí của xe và hạ kính để nghê âm thanh bên ngoài tốt hơn.
Khi xe bị nước lũ tấn công
Người lái phải thật bình tĩnh để hướng dẫn hành khách những việc cần làm như mặc áo phao, đem theo điện thoại đã bọc ni-lông và dùng búa phá kính để thoát ra ngoài. ngay sau khi thoát ra khỏi xe, hãy giật áo phao và bật đèn tín hiệu hoặc thổi còi để nhanh chóng được cứu hộ.
Sau khi nổi lên mặt nước, hướng theo lực nước để bám sát lại với nhau để bảo vệ tốt hơn. Dùng điện thoại gọi ngay số khẩn cấp để được cứu hộ.